Sếp thiếu năng lực lãnh đạo và những bài học để đời
Gần đây, cô em họ của tôi mới xin được công việc đầu tiên nên rất hào hứng kể với tôi đủ thứ chuyện. Nhắc tới sếp là cô ấy nói không ngừng rồi cảm thấy may mắn vì gặp được một người sếp có năng lực lãnh đạo, vui tính, nhiệt tình và chỉ bảo cô ấy rất nhiều điều. Tôi nghe mà cảm thấy vui lây vì người sếp đầu tiên có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của một người và thậm chí là cả cách người đó nghĩ về công việc. Tôi cũng có một người sếp đầu tiên tuyệt vời và tôi mãi biết ơn chị ấy.
Cuộc trò chuyện với cô em họ làm tôi một thoáng “xuyên không” về quá khứ với các vị sếp khác nhau mà tôi đã có trong hơn 10 năm sự nghiệp. Cũng giống như hầu hết mọi người, tôi đã từng dưới trướng của những vị sếp rất giỏi cho đến những người trung bình, kể cả người lẽ ra không bao giờ nên lãnh đạo một nhóm. Nhưng suy nghĩ kỹ hơn, tôi thấy rằng bản thân mình cũng “nợ” những người sếp trung bình đó và quan trọng hơn là rất cảm ơn những vị sếp thiếu năng lực lãnh đạo vì họ đã dạy tôi biết những gì không nên làm.
Kể với các bạn một vài câu chuyện mà ở đó các vị sếp của tôi đã cư xử theo cách không thể đáng được ngưỡng mộ cũng như những bài học vô giá mà tôi đúc rút được qua những tình huống này.
Mắc kẹt giữa “hai làn đạn”
Người quản lý trực tiếp và chủ công ty nơi tôi làm việc là bạn bè với nhau nhưng chẳng khác nào lửa với nước. Tôi đã không thành công trong việc làm hài lòng một trong hai nhân vật quyền lực này vì họ thường đưa ra quyết định trái ngược nhau. Sếp trực tiếp muốn chúng tôi quảng cáo theo hướng này nhưng người duyệt kế hoạch cuối cùng lại là chủ công ty muốn đi theo hướng hoàn toàn khác. Lạ một điều là họ không bao giờ làm việc trực tiếp với nhau.
Và điều gì đến sẽ đến. Chúng tôi là người thường xuyên “hứng đạn”. Nhiều đồng nghiệp còn hài hước so sánh chúng tôi không khác gì ông chồng bị mắc kẹt giữa cuộc chiến giữa mẹ chồng và nàng dâu. Đó là một cảm giác hoang mang, đôi khi muốn mặc kệ đời. Nhưng may mắn là sau nhiều lần than thở, ỉ ôi với cả hai sếp, chúng tôi cũng thoát được “cuộc tình tay ba” đầy éo le, ngang trái này.
Bài học rút ra là nếu bạn có nhiều sếp đưa ra hướng đi trái ngược, hãy làm mọi cách để họ giáp mặt nhau nhằm đưa ra ý kiến thống nhất, thay vì cố gắng làm vừa lòng cả hai – điều mà có thể sẽ không bao giờ xảy ra.
Nếu là nhà quản lý, hãy kết nối với các nhân viên của bạn thay vì làm tăng sự phức tạp và đặt mọi người vào tình huống khó đỡ. Việc buộc họ phải lựa chọn giữa việc tuân theo chỉ đạo của bạn hoặc một người có quyền khác đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thiếu minh bạch giữa các cá nhân.
“Nhìn ở một góc độ khác, bạn có thể học được nhiều điều có giá trị từ người sếp thiếu năng lực lãnh đạo của mình.”
Dòng sông lơ đãng
Đây là biệt danh dễ thương mà tôi dành cho vị sếp thứ 2 này. Có lẽ là tôi hạp với sếp nên mọi chuyện khá hanh thông, tôi còn liên tục được khen ngợi về hiệu suất trong nhiều tháng. Một ngày đẹp trời sếp nói rằng sẽ tăng lương cho tôi sớm hơn dự định (thường công ty sẽ xét tăng lương 12 tháng một lần) nhưng lại quên nói chính xác là thời gian nào. Chín tháng đến rồi đi và sau mỗi tiếng “ting ting” vẫn là con số cũ. Cái cảm giác lâng lâng vui sướng khi nghe được tăng lương giờ được thay thế bằng sự hụt hẫng xen lẫn bối rối.
Thế là tôi quyết định hỏi sếp. Sếp tỏ ra rất sốc vì tôi chưa hề nhận được mức lương mới và nói rằng sếp đã ký xong mọi giấy tờ cần thiết. Sau đó, sếp phát hiện ra rằng mình đã xử lý không đúng cách, vì vậy phải một tháng nữa tôi mới có thể được tăng lương. Tôi không ngạc nhiên vì quản lý chi tiết không phải là việc của sếp và tôi còn phải nhắc sếp nhiều công việc thường ngày mà anh ấy chịu trách nhiệm. Nhiều lần tôi còn phải viết lại ghi chú cho sếp và làm những việc khác để hỗ trợ.
Khi tôi hỏi liệu tôi có thực sự được tăng lương hay không, anh ấy bắt đầu xù lông nhím và không chỉ không thừa nhận rằng đã làm tôi thất vọng, mà còn trở nên rất bực tức vì tôi đã “lèo nhèo” về những gì anh đã hứa nhưng không thực hiện được trong nhiều tháng.
Bài học ở đây là ai trong chúng ta cũng đều mắc sai lầm. Khi điều này xảy ra, ít nhất là nên nhận lỗi. Nếu bạn có thể sửa chữa lỗi lầm, hãy làm ngay, nhưng nếu không thể làm được, hãy xin lỗi và cố gắng làm lành với người bị ảnh hưởng.
Cái đáng sợ nhất là căn bệnh không chịu lắng nghe
Làm việc với vị sếp này là một trải nghiệm mệt mỏi nhất trong sự nghiệp của tôi. Sếp là người có năng lực lãnh đạo, dày dặn kinh nghiệm với khả năng sáng tạo vô biên. Ý tưởng của sếp cứ tuôn trào như dung nham từ núi lửa. Đôi khi những ý tưởng này rất hữu ích và thậm chí giúp thay đổi tình thế nhưng vấn đề là sếp quá đề cao mọi ý tưởng của mình, ngay cả khi đối mặt với sự thật không thể chối cãi là một số ý tưởng không hề khả thi chút nào.
Nhưng sếp luôn biết cách để chiến thắng trong các cuộc thảo luận. Không chỉ vậy sếp cũng muốn chúng tôi toàn tâm toàn ý thực hiện ý tưởng mà mọi người đều biết cuối cùng sẽ dẫn đến thất bại.
Kỹ năng lắng nghe không có cơ hội xuất hiện trong vai trò lãnh đạo nhóm hàng ngày của sếp và cuối cùng tôi đã rời đi cùng với nhiều người khác.
Mặc dù có những thời điểm nhà quản lý cần quyết đoán và bỏ qua các đề xuất của nhóm nhưng vị sếp thứ 3 này đã dạy tôi rằng khi bác bỏ các ý kiến của nhân viên, ít nhất bạn cũng nên dành thời gian để suy nghĩ về mối bận tâm của họ. Ngay cả khi bạn chắc chắn mình đúng thì cũng cần cho họ chút động lực. Ít nhất, nhóm của bạn thấy được rằng họ được đánh giá cao và có thể thực hiện ý tưởng của bạn với 101% sức lực.
Mọi trải nghiệm đều cho chúng ta những bài học để đời và bài học đó còn đáng giá hơn đối với những trải nghiệm không mấy vui vẻ, cụ thể ở đây là các vị sếp thiếu năng lực lãnh đạo. Bạn có nghĩ như thế không?
Pha Lê